HÀNH TRÌNH TÌM MỤC TIÊU CỦA ĐỜI NGƯỜI?

MỤC TIÊU

Chắc hẳn không ít lần bạn từng hỏi mục tiêu của đời mình là gì? Chúng ta từng nhìn vào những người thành công, ta ngưỡng mộ họ, và khi ta nghe các câu chuyện về cuộc đời họ, ta luôn thấy chúng bắt đầu từ một niềm đam mê, một mục tiêu mà những cuốn sách self-help thường đề cập.

Và rồi ta nhìn lại bản thân mình để rồi thấy mình thật tầm thường và nhỏ bé, không có đam mê mãnh liệt, không có mục tiêu rõ ràng. Càng ngày ta càng co mình lại và trở nên nhỏ bé hơn, chúng ta co mình lại và nhìn ra khung cửa sổ để rồi tự cảm thấy ngưỡng mộ cuộc đời của những người khác.

Bạn có thấy mình đang hoặc đã từng là người như trên, và rồi bạn lao học theo các cuốn sách self-help, bạn thấy mình phải thay đổi và thử nghiệm thay đổi. Và sau đó… ko có sau đó nữa. Một  thời gian sau bạn lại tiếp tục thấy mình nhỏ bé và ngưỡng mộ cuộc đời của những người khác.

Vậy chúng ta nên làm gì để tìm kiếm mục tiêu và thực sự thì mục tiêu của cuộc đời bạn là cái quái gì? Trong khi bạn vẫn đang tồn tại, trong khi bạn vẫn đang làm việc để duy trì sự tồn tại đó. Phải chăng đó là bản năng của chúng ta do xã hội hình thành nên?

HÃY LÀM GÌ ĐÓ

Nếu bạn chưa thể giải đáp cho chính mình thì cũng đừng nên lo lắng. Khi đó, bạn hãy thực hiện theo nguyên tắc “hãy làm gì đó đi” để tạo động lực. Đây là nguyên tắc phổ biến giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng bế tắc. Có thể bạn không để ý, nhưng thực ra ít nhất bạn đã từng thực hiện nguyên tắc này một cách vô thức (bản năng). Ví dụ: Bạn có thể giải tỏa bằng cách xem một video clip hài, hoặc nghe một bài hát, hoặc đơn giản là đi dạo hay nấu món gì đó… nhưng bản chất là bạn đã thực hiện một hành vi (làm gì đó) để tạo xúc tác cho một chuỗi hoạt động tiếp theo.

ĐAM MÊ

Và cũng đừng buồn nếu bạn thấy hầu hết các cuốn sách đều kể về những mục tiêu vĩ đại hay những đam mê cháy bỏng nào đó mà bạn thấy nó quá xa vời với mình. Hoặc bạn đã từng tự an ủi mình khi đọc các bài về các vĩ nhân “dậy thì” muộn và tự nhủ thời điểm của mình chưa đến. Tư tưởng AQ này có thể an ủi bạn phần nào, nhưng không nên để tư tưởng này chi phối vì thực sự bạn nên hiểu chính mình. Vậy đã khi nào bạn tự hỏi “thế quái nào mà mình lại cứ phải cố gắng tìm kiếm đam mê?”. Bản chất của cuộc đời là không biết trước, và có một sự thật khá phũ phàng tôi đã từng đọc trong một bài sưu tầm “tại sao phải tìm kiếm sự đạm mê?” – đó là “nếu bạn phải đi tìm một thứ mà bạn đam mê thì thực tế là bạn chẳng đam mê thứ gì”. Cũng như lúc này, khi tôi đang ngồi viết những dòng này, tôi viết không phải vì đam mê, đơn giản lúc này tôi muốn viết – vậy thôi.

Có đôi khi, tùy theo từng giai đoạn của đời người, tùy theo nhân sinh quan và thế giới quan của mỗi người mà mỗi thời điểm chúng ta sẽ có một góc nhìn khác nhau về một vấn đề. Giống như trong bài sưu tầm “các giai đoạn của đời người” đã từng đề cập, ở tuổi đôi mươi, chúng ta có sức khỏe, chúng ta có thời gian và chúng ta có thể thỏa sức KHÁM PHÁ BẢN THÂN. Và rồi sau giai đoạn này, dưới gánh nặng cơm áo gạo tiền và bạn dần nhận thấy theo thời gian, bạn đã lặng lẽ bước dần về phía bên kia con dốc của cuộc đời. Thời gian, sức khỏe hay hoàn cảnh gia đình không cho phép bạn thoải mái để dong ruổi KHÁM PHÁ BẢN THÂN. Đến lúc này, từ những gì chúng ta “khám phá” được ở giai đoạn trước, chúng ta dần bước vào giai đoạn CAM KẾT và định hướng theo những gì thực sự cần thiết.

CHUYỆN CỦA TÔI

Thực tế, giai đoạn CAM KẾT thường bắt đầu ở độ tuổi 30. Cái độ tuổi mà các góc cạnh của bạn đã bị cuộc đời mài dũa, độ tuổi mà bạn đã bị đời xô đẩy – có thể trong nhưng năm tháng KHÁM PHÁ bản thân, bạn thực sự định hướng cho cuộc đời mình và tỏa sáng với sự lựa chọn đó, cũng có thể bạn đã định hướng và thất bại, cũng có thể bạn chẳng định hướng được gì và vẫn tiếp tục “khám phá”…

Nhưng đã bao giờ bạn tự đơn giản hóa mục tiêu của đời mình? Đến một giai đoạn nhất định, như tôi hiện tại, tôi đã từng luôn trăn trở, và cũng đã từng luôn dằn vặt vì cảm thấy mình quá nhỏ bé. Là một kỹ sư Cơ Điện Tử trường ĐHBKHN, tôi đã từng “thử” khá nhiều thứ để tìm cái gọi là “đam mê”, từ vi điều khiển/PLC, đến các phần mềm 3D như 3Ds Max, Solidworks, hay lập trình như C#, C++, lập trình mô phỏng… và rồi mọi thứ lại quay về xuất phát điểm của nó, tôi vẫn làm mảng công việc từ khi ra trường dù không liên quan đến chuyên ngành đã học (Quản lý chất lượng).

Xuất phát điểm từ vấn đề cơm áo gạo tiền, gia đình tôi thuộc dạng khó khăn nên tôi không hề thích thú đời sinh viên do không thể tự chủ về kinh tế. Chỉ mong nhanh ra trường để đi làm và tự chủ về kinh tế, thời sinh viên tôi cũng đã từng kiếm thêm thu nhập bằng cách đi dạy thêm, đi học thuê cho các anh khối tại chức, làm đồ án thuê… Nhưng bản chất vẫn là … không có sự đam mê nào, đến bây giờ nhìn lại tôi thấy khi đó mình chỉ hướng tới những thứ có thể kiếm tiền tức thời, nó không gắn bó tới một chuyên môn hay một lĩnh vực dài hạn nào mà tôi có thể phát triển, có lẽ đó là lý do mà tôi không thể tìm được sự đam mê từ những việc đó. Và rồi cứ như vậy, tôi qua thời sinh viên – ra trường và đi làm ở một công ty của nước ngoài (Nhật Bản). Ở đây tôi học được khá nhiều thứ và tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm đủ để tiếp tục bươn trải. Tuy nhiên trong thâm tâm tôi vẫn luôn hoài nghi, lo sợ về tương lai. Mặc dù công việc khá ổn, tuy nhiên hai vợ chồng đều xa quê nên để có một cơ ngơi để tránh mưa tránh nắng thì chúng tôi phải chấp nhận nợ nần khá nhiều. Mọi thứ bị cuốn theo vấn đề về kinh tế, lúc nào cũng lo lắng về tương lai. Trong khi cũng không biết nên làm gì để kiếm thêm thu nhập, sau khi cân nhắc, tôi thấy mức thu nhập hiện tại vẫn có thể duy trì được với điều kiện không có rủi ro. Vì vậy tôi quyết định đầu tư vào quỹ bảo hiểm mặc dù kinh tế đang khó khăn, tuy nhiên ít nhất thì tôi cũng có thể giải tỏa về mặt tâm lý và sẽ không lo lắng về rủi ro phát sinh (nếu có).

Có thể các bạn sẽ cho rằng đầu tư vào bảo hiểm là không sang suốt, tuy nhiên với hoàn cảnh của tôi, thực sự tôi cũng không biết mình nên đầu tư vào thứ gì. Tôi không kỳ vọng sinh lời từ việc đầu tư này (vì nếu có thì nó là câu chuyện của tương lai rất rất xa, khi đó thì tôi cũng thoát khỏi tình trạng bí bách này lâu rồi), tuy nhiên nó sẽ khá hữu dụng khi có rủi ro và như vậy tôi sẽ an tâm hơn, có thể tự cho phép mình thả lỏng để suy nghĩ thêm về đích của cuộc đời mình. Nó chẳng phải là thứ gì to tát hay vĩ đại, nó chỉ cần là thứ gần gũi, thiết thực và miễn là tôi thấy nó phù hợp. Cũng giống như việc tôi đầu tư vào quỹ bảo hiểm cũng vậy. Tùy theo từng giai đoạn chúng ta sẽ có góc nhìn khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là mình cảm thấy thế nào về những gì mình hướng tới và chúng ta có sẵn sang đối mặt với các khó khăn khi thực hiện những điều đó hay không?

Giống như trong một bài viết “câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời” mà tôi đã từng sưu tầm. Có một câu hỏi thú vị và thiết thực hơn câu hỏi “bạn muốn điều gì trong cuộc sống?” đó là câu hỏi “khó khăn/gian khổ gì mà bạn sẵn sàng đương đầu với nó trong cuộc sống?” Bản chất của vấn đề rất đơn giản và trần trụi – “việc bạn là ai được quyết định bởi những giá trị mà bạn sẵn sàng đấu tranh để đạt được”.

Vậy những giá trị mà chúng ta sẵn sàng đấu tranh để đạt được trong cuộc sống là gì? Có thể có người sẽ trả lời ngay là tiền bạc hay địa vị. Nhưng dưới góc nhìn của cá nhân tôi, xứng đáng hơn hết vẫn là “SỨC KHỎE”  và ” GIA ĐÌNH”. Bởi lẽ, trong một quan hệ logic, bản chất chúng ta muốn tiền bạc và địa vị đó là muốn bản thân và gia đình có điều kiện sống tốt hơn, và cốt lõi là chúng ta phải có SỨC KHỎE thì chúng ta mới có thể thực hiện được vô số dự định của đời mình. Đó là lý do vì sao cá nhân tôi đặt hai yếu tố SỨC KHỎE  và GIA ĐÌNH lên trước.

Trích lời TS Lê Thẩm Dương từng nói, đời người có 4 mục tiêu đó là SỨC KHỎE, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP, BẠN BÈ

4 mục tiêu trên đều xoay quanh các mối quan hệ tổng hòa của bản thân chúng ta, SỨC KHỎE ở đây không chỉ là khái niệm về sức khỏe vật lý (cơ bắp) mà nó còn bao gồm cả trí tuệ, tâm hồn. GIA ĐÌNH là nơi ta trở về, và là lý do để chúng ta phấn đấu nỗ lực.

Nếu nhìn nhận lại từng khía cạnh và đối chiếu với thực tế những gì chúng ta làm hàng ngày, bạn có thể thấy rõ con người mình đang nghiêng về khía cạnh nào (cũng có thể áp dung với suy nghĩ, cảm xúc cá nhân của bạn để xác định lại chính mình).

LÀM CHỦ CHÍNH MÌNH

Như đã đề cập ở trên, những gì bạn sẵn sàng làm và đương đầu trong cuộc sống sẽ quyết định bạn là ai. Tôi tự thấy mình luôn thiên hướng về gia đình, mặc dù biết mình sẽ bỏ qua nhiều thứ như giao lưu bạn bè hay nhảy việc xa nhà để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên đó là lựa chọn của bản thân tôi, ở tuổi 30 – đôi khi tôi thấy hoang mang và mất định hướng cho mục tiêu sự nghiệp, cảm thấy mình nhỏ bé, đôi khi muốn thay đổi nhưng không dám vì bị ràng buộc nhiều về vấn đề kinh tế. Tôi biết mình nên điều chỉnh để can bằng lại cuộc sống. Mặc dù vẫn cố cam kết với chính mình nhưng đôi khi tôi vẫn phải đối mặt với một sự thật là “đa số mọi nguời biết mình nên làm gì, nhưng ít ai làm điều mà họ biết”. Tôi đang cố gắng để thực hiện cam kết của bản thân mình, như đã đề cập ở trên về nguyên tắc “hay làm gì đó”, khi cam kết với chính mình – ít nhất tôi thấy mình có định hướng hơn, thấy được hôm nay mình cần làm gì (tưới cây, rửa xe, vệ sinh điều hòa, đưa vợ con đi chơi…) và khi đến công ty tôi cũng định hướng được hôm nay mình tập trung vào việc gì. Như vậy mỗi ngày sẽ trở nên có ý nghĩa hơn và khi hoàn thành được cam kết với chính bản thân mình thì con người bạn cũng đã thay đổi trở nên chủ động hơn, tích cực hơn. Khi làm chủ được chính mình bạn sẽ thấy mỗi ngày trôi qua có ý nghĩa hơn, suy nghĩ tích cực hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu bạn thực hiện được cam kết với bản thân, đối mặt và đương đầu với bản chất lười biếng trong con người mình thì thành công sẽ đến với bạn. Vậy ta còn tìm kiếm điều gì khi chúng ta làm chủ được chính mình, thực hiện được các cam kết của bản thân để duy trì và cân bằng được các mục tiêu SỨC KHỎE, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP, BẠN BÈ

LỜI KẾT

Tất cả các hành vi, thói quen hàng ngày, tất cả những gì bạn làm trong vô thức đều phản ảnh về con người bạn đang hướng tới điều gì? Nó có phù hợp với mục tiêu bạn đặt ra hay không. Do vậy, muốn hoàn thiện bản thân và trở nên tốt hơn, điều quan trọng nhất là bạn phải kiểm soát được chính mình. Như vậy bản mới có thể thay đổi để tốt hơn.

Ví dụ bạn đặt mục tiêu về sức khỏe nhưng bạn không bao giờ tập thể dục, ăn uống không điều độ thì tất cả những gì bạn đang thể hiện sẽ đi ngược lại với mục tiêu đã đặt ra. Như tôi đã đề cập ở trên, “đa số mọi nguời biết mình nên (cần) làm gì, nhưng ít ai làm điều mà họ biết”. Chúng ta biết thuốc lá và rượu bia có hại cho sức khỏe nhưng chúng ta vẫn uống, chúng ta muốn có một cơ thể khỏe mạnh nhưng chúng ta chẳng tập thể dục bao giờ.

Vậy đấy, không nên tập trung vào dằn vặt suy nghĩ xem bạn muốn gì, mà hãy tự vấn chính mình xem bạn sẵn sang đối mặt với khó khăn gì và hãy CAM KẾT để thực hiện.

Tôi đề cập tới việc CAM KẾT vì thực tế bản chất của con người là lười biếng, chúng ta có vài lý do để thực hiện nhưng lại có hàng ngàn lý do để thuyết phục bản thân dung lại. Do vậy, khi bạn có ý nghĩ dung lại thì hãy dành chút thời gian để nghĩ lại lý do mà chúng ta đã bắt đầu.

Hẹn gặp lại “tôi” ở một phiên bản tốt hơn trong tương lại không xa.

NBA (vientrinh.com)

Viết một bình luận